Trong số các anh chị em, ông có phải là người gần gũi cha nhất không?
- Cha tôi thường hay cho tôi đi theo nhất.
Ít người biết đến cụ bà Nhữ Thị Tý, phu nhân của Bác sĩ Trần Duy Hưng, ông nói gì về mẹ mình?
- Mẹ tôi, bà Nhữ Thị Tý, là một người thích uống cafe. Ngay cả khi ở chiến khu Việt Bắc, bà vẫn giữ được thói quen này. Đầu kháng chiến chống Pháp, khi gia đình tôi tản cư về mạn Bắc Giang, mẹ tôi buôn bán gây quỹ cho tổ chức. Mẹ tôi là tấm gương về sự hy sinh cho chồng, cho con. Lấy chồng, thì chạy ngang chạy dọc buôn bán để nuôi chồng, nuôi con, chăm lo cho gia đình nhà chồng. Mẹ tôi cùng chia sẻ với cha tôi những gian khổ, khó khăn của những năm sống trong rừng sâu ATK, rồi những năm kháng chiến chống Mỹ.
Ông còn nhớ gì về thời điểm ông được đi học trường thiếu sinh quân?
- Ở chiến khu Việt Bắc được mấy năm, đến đầu năm 1951, anh Ân tôi đã 12 tuổi, còn tôi 10 tuổi. Đã đến lúc phải học hành chính quy. May sao lúc đó, trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam thuộc Bộ Quốc Phòng có chủ trương mở rộng diện nhận học viên, cho con em các cán bộ ngoài quân đội được theo học. Thế là bố tôi quyết định cho anh Ân và tôi vào Thiếu Sinh Quân. Nhưng đến trước ngày lên đường, chúng tôi được tin là Trường Thiếu Sinh Quân có quyết định chuyển địa điểm sang Trung quốc, vì lúc này vùng tự do đã bị bắn phá rất nhiều.
Biết tin hai anh em chúng tôi chuẩn bị đi học xa, Cụ Hồ nói với cha tôi cho hai anh em lên ở với Cụ vài hôm. Cụ Hồ nói với cha tôi là chúng tôi sẽ đi thẳng từ chỗ Cụ lên nơi cả đoàn tập trung. Cụ dặn chúng tôi giữ gìn sức khỏe, chăm học và giữ kỷ luật quân ngũ.
Từ chỗ Cụ Hồ, chúng tôi ra thẳng chỗ tập trung, không xa
Ngòi Thia lắm. Ra đến nơi, thấy mọi người đã tập họp đông đủ.
Bố mẹ tôi cùng các em Tuyết và Nghĩa cũng ra tiễn chúng tôi.
Lúc chia tay, mọi người đều khóc, cả anh Ân tôi cũng khóc.
Tôi ôm lấy cha tôi, mẹ tôi, các em, rồi quay bước đi theo đoàn.
Rất lạ là tôi không khóc, trong lòng có một cảm giác phấn
chấn như chim được sổ lồng bay xa. Tôi nhảy chân sáo, và
chốc chốc ngoái lại vẫy chào bố mẹ và các em. Tôi đâu
có biết rằng sẽ là một cuộc chia ly kéo dài 13 năm…
Được gửi đi học thiếu sinh quân ở Trung Quốc, rồi được chọn đi học phổ thông ở Liên Xô. Có thể nói là ông đã vào đời một cách thuận lợi hơn bạn bè cùng trang lứa lúc đó?
- Chúng tôi sang Quế Lâm (Trung Quốc) học ở trường Thiếu sinh quân từ năm 1951 đến tháng 7 năm 1954, Hiệp định Geneve được ký kết. Chúng tôi nhận được tin hòa bình được lập lại, nhưng đất nước bị chia cắt và hy vọng ngày trở về nước được gặp bố mẹ và các em sắp đến. Lúc đó, tôi cũng không biết rằng, cha tôi đã về tham gia tiếp quản Hà Nội.
Đầu tháng 8/1954, tôi và một số bạn trong lớp 6A, được Ban Giám Hiệu gọi lên thông báo rằng chúng tôi được chọn đi học ở Liên xô.
Mùa hè năm 1955, sau một năm học ở trường Phổ thông số 660 ở Matxcova, nhóm hai mươi học sinh, gồm lớp chúng tôi 11 người và 9 bạn khác ở lớp dưới được chọn đi dự Trại Hè Thiếu Nhi toàn Liên xô Artek, tại bán đảo Crimea. Gần cuối kỳ nghỉ, chúng tôi được gọi về gấp vì Bác Hồ sang thăm Liên Xô. Chúng tôi được dự lễ đón Cụ Hồ và sau đó vài hôm, thì nhóm đi Artek của chúng tôi được đưa đến chào Cụ tại Biệt Thự Blizhnyaya Dacha của Stalin. Tôi còn nhớ đó là một sáng hè nắng dịu. Cụ tiếp chúng tôi ở ngoài vườn, hỏi thăm tình hình học tập và sinh hoạt của chúng tôi. Cụ vẫn nhớ ra tôi, con trai của bác sĩ Trần Duy Hưng. Mọi người nghe Cụ nói là chính và trả lời những gì Cụ hỏi. Thấy chúng tôi rất hài lòng về các điều kiện sinh hoạt và học tập, Cụ rất vui, nhưng nói thêm: Các cháu nên nhớ là nhiều bạn cùng lứa tuổi với các cháu ở trong nước còn thiếu thốn nhiều thứ lắm. Ngay cả ở Liên Xô đây cũng còn nhiều cháu không được như các cháu đâu.
Không biết Cụ lấy đâu ra những thông tin đó, nhưng có lần ra phố, tôi tò mò rẽ vào một cửa hàng thực phẩm, thì thấy người dân Matxcova cũng chỉ được mua theo khẩu phần quy định: bao nhiêu trứng, bao nhiêu thịt, cá v.v...
Đúng là việc được đi học ở nước ngoài trong điều kiện đất nước đang chiến tranh là một may mắn rất lớn với chúng tôi. Đó là lý do khiến sau này khi tôi quyết định việc gì thì tôi cũng phải suy nghĩ về điều ấy.
Những năm dài sống ở Liên Xô, suốt từ thời niên thiếu cho đến lúc trưởng thành, nước Nga có ý nghĩa như nào đối với ông?
- Tôi chỉ có một Tổ quốc là đất nước Việt Nam nhưng tôi có một quê hương thứ 2 của mình là nước Nga. Đất nước đã tạo dấu ấn rất sâu sắc cho con người tôi. Để tôi được nhìn nhận về cuộc đời rất nhân bản, và giúp cho tôi có cách ứng xử theo đúng những gì mà truyền thống gia đình tôi đã tạo nên. Các bạn biết đấy, người Nga rất chân thật. Con người tôi là như thế, hoàn toàn không có chút gì lươn lẹo.
Người Nga rất đôn hậu, lúc tôi mới sang người Nga vẫn còn sống khổ lắm. Nhưng người ta vẫn rất tốt. Mặc dù người ta thấy chúng tôi có chế độ ăn học so với trẻ em Nga thì hơn nhiều. Nhưng không một ai tỏ ra ghen tị, vì người ta nghĩ rằng đây là những con em từ một đất nước xa xôi đã gửi sang đây thì mình có trách nhiệm chăm sóc. Và những ông thầy, những cô giáo đầu tiên coi chúng tôi là con em trong nhà. Dạy dỗ từng li từng tí và hoàn toàn không có gì tỏ vẻ là chúng mày sang đây là phải nhờ ơn chúng tao. Nền văn học và nghệ thuật Nga rất phong phú, nhiều dòng khác nhau, nhiều trường phái, rất tiên tiến. Kể cả những người sau này rời xa nước Nga, sống và sáng tác ở nước ngoài như Rachmaninoff chẳng hạn thì âm nhạc của họ vẫn thấm đẫm gốc gác âm nhạc Nga, những giai điệu Nga, những hồn Nga ở trong âm nhạc đó. Tôi là người thích những thứ đó, nên tôi đã được tiếp thu được rất nhiều.
Ông được thừa hưởng gen âm nhạc nghệ thuật từ ông cụ?
-Vâng, chắc là cha tôi đã truyền cho tôi cái gen nghệ thuật đó.
Hình như có hồi ông đã thi vào trường nhạc?
- Năm 1956 tôi cùng Đỗ Dũng (sau này là Nhạc trưởng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam) thi đỗ vào lớp dự bị của khoa chỉ huy hợp xướng, khóa trung cấp Trường Âm Nhạc Ghesinyh. Biết chuyện tôi học nhạc, cụ Nguyễn Lương Bằng là Đại sứ Việt Nam ở Liên Xô lúc đó, mừng lắm, bảo tôi đến Sứ quán ăn trưa cùng bác.
Nhưng tôi chỉ theo học lớp dự bị trường Gnhesinyh đúng một năm, rồi quyết định không theo đường âm nhạc chuyên nghiệp. Tôi tự thấy mình bước vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp khá muộn, lúc khoảng 14 tuổi. Đọc tiểu sử của các nhà hoạt động âm nhạc, tôi thấy họ bắt đầu con đường đó rất sớm, nhất là những nhạc sĩ. Còn về sáng tác, tôi chỉ có được khoảng chưa đến một chục ca khúc 'học trò". Tôi nghĩ, Mozart khi 5-6 tuổi đã có những tác phẩm piano để đời. Mà đã dấn thân vào nghệ thuật thì phải phấn đấu được như Mozart mới đáng. Đó là suy nghĩ của tôi lúc bấy giờ, đúng hay sai thì cũng đã là một quyết định của tôi và không thể đảo ngược.
Tôi làm đơn lên nhà trường xin thôi học. Cô giáo trực tiếp dạy và Ban Giám hiệu quá bất ngờ. Các thầy cô khuyên tôi nên rút lại đơn, thậm chí có công văn gửi đến Sứ quán đề nghị can thiệp để họ có thể giữ một học trò giỏi. Nhưng tính tôi là vậy, đã quyết là làm đến cùng. Thế là con đường âm nhạc chuyên nghiệp của tôi đã sớm kết thúc.
Ông đã đón nhận với thái độ thế nào về sự cố năm 1964 khiến ông đang học năm cuối đại học đã phải về nước?
- Có thể gọi sự cố năm 1964 là một tai nạn, nhưng nó cũng có nguyên cớ của nó. Vấn đề "xét lại" xảy ra ở Liên Xô lúc đó khiến nhiều sinh viên Việt Nam đang học ở Liên Xô bị gọi về nước. Lúc đó tôi đang học năm thứ 5 đại học ngành Luyện kim hiếm và phóng xạ, sắp tốt nghiệp.
Trước khi về, chúng tôi đã nghĩ đến tình huống có thể về sẽ không được quay lại nữa. Nên cũng có những băn khoăn được đặt ra trong đám bạn bè tôi, như là có thể tìm lý do để ở lại không về, hoặc một người bạn Ý có thể giúp tôi chuyển sang quốc tịch Ý. Nhưng tôi đều từ chối. Tôi còn người thân, gia đình ở nhà, tôi đã được nhường suất đi học nước ngoài, tôi không thể nào lại làm liên luỵ thêm cho cha tôi và anh em tôi.
Sau khi quyết định chấp hành lệnh gọi về - một sự lựa chọn quan trọng của cuộc đời, tôi tự nhiên thấy bình thản.
Ông không có gì vướng bận ở nước Nga lúc đó sao, một mối tình dang dở chẳng hạn?
- Có chứ. Tôi đang làm dang dở một đề tài khoa học cùng các ông thầy người Nga, đề tài này được các giáo sư đánh giá rất cao, và nếu theo đuổi thì nó hoàn toàn mở ra cơ hội cho tôi chuyển tiếp lên nghiên cứu sinh. Và tôi cũng đang yêu Katia, cô sinh viên năm thứ nhất trường y. Trước khi về tôi cũng đã nói với Katia việc tôi có thể không còn được quay lại học tiếp, Katia buồn lắm.
Cha ông, Bác sĩ Trần Duy Hưng – Chủ tịch Thành phố Hà Nội lúc ấy, có nói gì không?
- Mùa hè năm ấy, cha tôi vẫn ra ga Hàng Cỏ đón tôi, như những mùa hè trước tôi về nghỉ hè. Nhưng nhìn mắt ông đã có sự lo âu, mà không muốn tỏ ra bên ngoài.
Sau một tháng tham dự chỉnh huấn, trong danh sách những sinh viên được quay lại Liên Xô tiếp tục học tập, không có tên tôi. Về đến nhà, cha tôi hỏi: Thế nào? Tôi trả lời: Con không được đi tiếp! Cha tôi chỉ nói: Không sao, con ạ! Tôi vào phòng, ngồi một mình. Thế là con đường du học của tôi chấm dứt.
Cha tôi không có một lời trách móc. Nhưng ông tạo cho tôi một cảm nghĩ rằng ông đồng tình với những gì tôi làm, vì nó đúng với bản chất và con người tôi. Ông luôn tin rằng tôi biết sống đúng với những khuôn thước đạo đức và những giá trị sống của chính ông, nên không bao giờ xin xỏ cho tôi và con cái bất kỳ một ơn huệ gì, cha tôi tin rằng chúng tôi biết tự mình vươn lên trong cuộc sống.
Và quả nhiên, dù công tác ở vị trí nào, ông cũng đã rất nhanh chóng khẳng định được năng lực khá đặc biệt của mình ở nhiều lĩnh vực?
- Nói về những năm tháng tôi làm việc ở Uỷ ban Khoa học Nhà nước thì rất dài, rất nhiều việc. Tôi luôn biết ơn Giáo sư Tạ Quang Bửu, người đã dìu dắt tôi, người thực sự là "mentor" của tôi trong những bước đường đời đầu tiên, rèn rũa tác phong và tư duy khoa học, khuyến khích tôi tự học và vươn lên qua con đường tự học. Tôi chỉ có thể nói ngắn gọn là lúc đầu tôi vào chỉ được hưởng lương trung cấp thì sau 1 năm tôi được Bộ Giáo dục công nhận đã tốt nghiệp đại học. Và chỉ 3 năm sau tôi đã được tham gia một nhiệm vụ đặc biệt. Đó là tham gia vào tổ thư ký chuẩn bị các văn kiện để đàm phán với Chính Phủ Liên Xô về Hợp Tác Khoa Học Kỹ Thuật sau khi chiến tranh kết thúc.
Tháng 8 năm 1967, tôi có tên trong danh sách những người tham gia đoàn đàm phán. Vậy là chỉ 3 năm sau, tôi đã được quay lại Liên Xô trong đoàn đàm phán do Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là trưởng đoàn. Rất tiếc, mặc dù chuyến đi kéo dài 2 tháng, tôi cũng đã không gặp lại Katia.
Cũng như những năm sau đó mặc dù được đánh giá rất cao về năng lực, tôi đã không được tạo điều kiện để đi theo tiếp con đường khoa học mà tôi rất yêu thích.
Rồi thế nào ông lại đi đến nghề bình luận bóng đá?
- À nói về bình luận bóng đá thì do tôi rất mê thể thao. Từ hồi ở Việt Bắc tôi đã chập chững chơi bóng chuyền. Lúc ở thiếu sinh quân bên Trung Quốc lẫn sau này ở Liên Xô tôi đều chơi nhiều môn thể thao, thậm chí còn đi thi đấu vật toàn thành phố Matxcova. Có một lần năm 1960, có trận chung kết Euro đầu tiên giữa Liên Xô và Nam Tư (diễn ra ở Pháp), tôi lên chơi ở Sứ quán, xem tường thuật qua tivi, một số người ở sứ quán không nghe được tiếng Nga, họ nhờ tôi dịch cho. Thế là tôi vừa xem tường thuật vừa bình luận lại cho các chú nghe, các ông ấy thích lắm. Có lẽ nghề bình luận bóng đá bắt đầu bộc lộ từ lần ấy chăng.
Năm 1973, ở Việt Nam bắt đầu tường thuật bóng đá, đầu tiên là tường thuật trên đài phát thanh. Tôi tham gia tường thuật cùng anh Lê Hoài Sơn, lúc ấy mới chỉ có Lê Hoài Sơn là bình luận chính. Rồi khi truyền hình bắt đầu phát hình những trận đá bóng thì ông Trần Lâm – lúc đó là Tổng Giám đốc Đài Phát thanh truyền hình Việt Nam - lại bảo tôi sang làm, sau đó ông đề nghị tôi về hẳn truyền hình.
Khi tôi về truyền hình vào mùa Thu năm 1976, thì đã có quyết định thành lập Truyền Hình Việt Nam thuộc Đài Phát Thanh Tiếng Nói Việt Nam, với cơ sở mới đang được xây dựng tại Giảng Võ.
Ông lựa chọn phong cách nào khi bình luận bóng đá?
- Ngày xưa ở ta quen tường thuật phát thanh cứ bóng đến chân ai thì nói. Nhưng khi đã xem truyền hình, khán giả đã nhìn thấy điều đó trên màn hình rồi, vì thế bình luận là phải nói được những gì đằng sau hình ảnh người ta thấy trên truyền hình. Đấy mới là nhiệm vụ của người bình luận. Tôi cũng học được của nhiều người. Tất nhiên trên thế giới đến giờ vẫn có những phong cách bình luận bóng đá khác nhau, ở một số nước người ta cũng vẫn làm theo phong cách phát thanh, nhất là ở Mỹ La tinh, khi bình luận người ta vẫn thích nói liên tục. Tôi thì đi theo phong cách truyền hình và dần dần tạo nên phong cách của mình. Cũng có thể có người thích có người không thích, cũng là chuyện bình thường thôi.
Bây giờ ông vẫn xem bóng đá chứ?
- Có tôi vẫn xem thường xuyên. Tối qua tôi vừa xem trận 1/8 World Cup futsal VN thua sát nút Nga 2-3. Anh em mình chơi hay lắm, rất kỹ thuật, máu lửa, biết mình biết ta.
Trong trí nhớ của một câu học trò như tôi (người tham gia thực hiện bài phỏng vấn này), mùa hè năm 1980 ấy Hà Nội có rất nhiều cơn bão, mưa gió sụt sùi suốt, bữa cơm xen lẫn bữa mì, bữa sắn. Phương tiện truyền thông lúc đó không đầy ắp như bây giờ. Truyền hình mỗi tuần chỉ phát vài tối từ 19h đến hơn 21h. Truyền hình trực tiếp lại càng mới mẻ. Cả xóm nhà tôi lúc ấy chỉ nhà nào "giàu" lắm mới có tivi. Là những chiếc tivi Sony cũ "chân tiện cửa lùa" mua từ Sài Gòn ra. Hình ảnh hoàn toàn là đen trắng, làm gì có màu, vừa xem thỉnh thoảng hình ảnh lại mất, phải chạy lên gõ bồm bộp vào tivi. Vậy mà đùng một cái có tường thuật trực tiếp Lễ khai mạc Olympic tít tận Matxcova xa xôi. Ánh sáng lung linh, âm nhạc rộn rã, những con người đẹp đẽ, khỏe mạnh… tất cả như đến từ một thế giới khác. Và rồi đùng một cái lại có một ông Việt Nam da vàng mũi tẹt tên là Phạm Tuân bay vào vũ trụ… Và dẫn chương trình cho cả hai chương trình ấy là một người đàn ông đậm người, mặc comple oai vệ, giọng nói trầm ấm, tự tin: "Xin chào tất cả các bạn, tôi là Trần Tiến Đức, Đài Truyền hình VN, trực tiếp từ thủ đô Matxcova…"
Chắc ông còn nhớ mùa hè năm 1980 có 2 sự kiện lớn là Olympic 1980 và chuyến bay Việt – Xô có Anh hùng Phạm Tuân của Việt Nam bay vào vũ trụ. Lúc ấy ông dẫn cầu truyền hình trực tiếp từ nước Nga?
- Đúng là năm đó là năm đáng nhớ nhất của Truyền hình Việt Nam. Nhưng trước năm 1980 thì sự kiện đầu tiên mà tôi được làm trực tiếp truyền hình với tín hiệu lấy từ Đài Hoa Sen là Lễ Ký Kết Văn Kiện Hợp tác giữa hai nước nhân chuyến đi thăm Liên Xô của Tổng Bí Thư Lê Duẩn. Trước lúc lên sóng, ông Trần Lâm hỏi tôi: Cậu tin mình sẽ làm được chứ? Tôi trả lời: anh yên tâm, tôi sẽ làm tốt!
Toàn bộ Chương trình gói gọn trong khoảng 40 phút. Khi trên màn hình chuyển sang hình ảnh phát thanh viên Việt Nam trong trường quay chính, tôi tháo tai nghe và bước ra khỏi studio. Mở cửa ra đã thấy ông Trần Lâm đứng chờ sẵn với nét mặt vui mừng và tiếng cười sảng khoái.
Mùa xuân năm 1980, chúng tôi được phổ biến nội bộ là sẽ có chuyến bay vũ trụ Liên Xô - Việt Nam với sự tham gia của một phi công vũ trụ Việt Nam. Chúng tôi ở Ban Thời Sự háo hức chờ đón sự kiện đó. Một hôm, tôi được lãnh đạo Đài gọi lên và nói tôi chuẩn bị đi chuyến công tác đặc biệt tại Liên Xô. Rồi tôi được ông Hoàng Tùng ở Ban Tuyên giáo Trung ương mời lên gặp trao nhiệm vụ. Thế là tôi và anh Vũ Tá Duyệt được bay sang Liên xô để xem họ tường thuật chuyến bay vũ trụ Liên Xô - Hungary, học tập kinh nghiệm và về triển khai việc chuẩn bị.
Sau đó tôi còn đi tiền trạm một lần nữa, chúng tôi đề nghị phía Liên Xô cho lập studio Hà Nội ngay tại Ostankino nổi tiếng (trụ sở Đài Truyền hình Liên Xô).
Ngày phóng con tầu lên vũ trụ là một ngày hết sức căng thẳng và hồi hộp với cả đoàn và nhất là với tôi, người phụ trách nội dung, đạo diễn của phía Việt Nam, và cũng là người dẫn Chương trình cùng với nhà báo Tikhomirov của phía Liên Xô.
Ngồi ở Matxcova, theo dõi hình ảnh Gorbatko và Phạm Tuân trong khoang cất cánh của tầu Souyz, hơi căng thẳng, tuy vẫn rất tươi, rồi con tầu lắc mạnh, lửa và khói trùm lên toàn bộ bệ phóng, rồi tiếng của Gorbatko; "A nu ka, poshli - Ta đi nào", tôi thấy thật xúc động. Tôi với tay sang phía Tikhomirov, bắt chặt tay bạn đồng nghiệp người Nga.
Gần 8 ngày bay trên quỹ đạo, Phạm Tuân đã thực hiện 30 thực nghiệm khoa học, bao gồm việc quan trắc Việt nam từ độ cao từ 197,8 km đến 293,1 km, tiến hành các thí nghiệm sinh học trong đó có nuôi cấy bèo hoa dâu trong điêu kiện phi trọng lượng - thí nghiệm này nhằm đóng góp cho việc xây dựng hệ thông bảo đảm sự sống trong các chuyến bay dài ngày ngoài trái Đất.
Ngày phóng con tầu hồi hộp như thế nào, thì ngày trở về trái Đất cũng hồi hộp không kém.
Ngồi ở trường quay, lần này không có Tikhomirov vì anh đã bay đến địa điểm hạ cánh của con tầu Soyuz 36, tôi đảm nhiệm việc tường thuật và bình luận cảnh con tầu hạ cánh xuống mặt đất. Thật không tả nổi sự xúc động của tôi khi nhìn thấy hình ảnh Gorbatko và Phạm Tuân được đỡ ra khỏi khoang hạ cánh và tươi cười vẫy chào mọi người.
Trong thời gian có chuyến bay vào vũ trụ của Anh hùng Phạm Tuân, thì cùng lúc cũng diễn ra Olympic 1980 ở Matxcova. Olympic 1980 là lần đầu tiên mình làm tại chỗ từ một sân vận động nước ngoài. Rõ ràng trang thiết bị khác hẳn. Kết nối đường hình đường tiếng với Hà Nội rất tốt. Tường thuật trực tiếp khai mạc bế mạc suôn sẻ. Nhất là bế mạc rất cảm động…
Tôi còn nhớ là trong lễ bế mạc khi hình ảnh con gấu Misa bay lên thì ai cũng khóc?
- Đúng rồi anh, một Lễ bế mạc đầy ấn tượng. Màn kết thúc là chú Gấu Misha, biểu tượng của Olympic Matxcova bay lên trời, từ giã mọi người trong tiếng hát của bài "Tạm biệt, Matxcova" của nữ nhạc sĩ Alexandra Pakhmutova. Khi chú Gấu bay lên cao, thì đèn trên sân cũng tắt. Thú thật, lúc ấy không biết vì sao, tôi nghẹn ngào đến chảy nước mắt. Hầu như cả sân vận động đều cảm động, ai cũng khóc. Kể cả các đồng nghiệp dày dặn kinh nghiệm ngồi cạnh tôi, không ai nói câu nào, chúng tôi đều nghĩ bây giờ nói là thừa, để âm nhạc và hình ảnh nói lên tất cả.
Vì sao đang từ một người làm truyền hình rồi làm phim tài liệu kỳ cựu, ông lại chuyển sang làm công tác truyền thông dân số?
- Sau thời gian làm ban Thời sự Đài truyền hình thì tôi xin đi chuyên làm phim tài liệu. Đến năm 1988, anh Dương Minh Đẩu – Phó Giám đốc phụ trách nội dung và nghệ thuật của Trung tâm nghe nhìn Đài truyền hình nghỉ hưu. Lúc ấy cơ quan cần đưa tôi vào vị trí đó, nên người ta mới kết nạp Đảng cho tôi. Tôi làm Phó Giám đốc Trung tâm nghe nhìn một thời gian thì được đưa sang làm Vụ trưởng truyền thông và giáo dục của Uỷ ban Dân số. Việc tôi đảm nhận công việc này là theo yêu cầu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ấy. Đầu tiên là Truyền hình chỉ biệt phái tôi sang 6 tháng. Sau đó, thì theo yêu cầu của ông Võ Văn Kiệt tôi đã chuyển hẳn sang làm dân số.
Ông từng làm nhiều việc như vậy và có thể nói là việc nào cũng thành công. Bây giờ nhìn lại cuộc đời, ông muốn được gọi với danh xưng gì? Và có suy ngẫm gì về cuộc đời mình?
- Tôi muốn được gọi là nhà báo, nhưng là một nhà báo có tư duy độc lập. Độc lập về tư duy, độc lập về phong cách.
Ngẫm lại quãng đường đã qua của cuộc đời có vui có buồn, có đau khổ, có hạnh phúc, nhưng xem ra niềm vui và hạnh phúc vẫn là chủ đạo.
Ở tuổi 80 tôi vẫn thấy yêu đời, yêu cuộc sống, vẫn muốn được đi đến những vùng đất cũ mà mình từng gắn bó, đến những vùng đất mới ước mơ được đặt chân đến.
Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này. Chúc ông sức khoẻ và dồi dào sáng tạo!
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã để lại Trí Khôn nơi tăm tối này! Chúc một ngày với tốt lành đến với bạn và người thân!