Cái thứ “thật Việt” mà cậu du học sinh 25 tuổi đang theo học tại Nhật Bản đã chọn được sau đó là một đôi dép tổ ong. Và “điều đặc biệt” mà cậu làm là một dự án mang tên “Dép tổ ong đi khắp thế giới”.
Tùng đã mang dép tổ ong tới Ninh Bình, tới Hội An, tới Thái Lan, tới Nhật Bản... Ước mơ của cậu là sẽ thuyết trình dự án dép tổ ong tại trường thiết kế mỹ thuật đang học “tôi muốn quảng bá để các bạn nước ngoài biết đến Việt Nam” - Tùng nói.
Nói thế nào nhỉ. Đôi dép tổ ong huyền thoại ngót 40 năm qua vẫn “chạy tốt” có lẽ chính bởi thứ kiểu dáng trung tính bất phân nam phụ lão ấu không hề lỗi mốt và một màu sắc “cười khẩy với thời gian”. Có ai chê dép tổ ong là cũ đâu khi mà ngay khi sinh ra nó đã cũ rồi.
Hải Phòng buổi sáng một ngày tháng 10 với nắng vàng như màu...dép tổ ong đã qua sử dụng, kỹ sư hóa Nguyễn Quang Dũng gặp lại bạn cũ của ông, họa sĩ Hoàng Kim Đan. 2 người, những bậc tiền bối của ngành nhựa Hải Phòng, chính là cha đẻ của đôi dép tổ ong huyền thoại.
Hồi đó, sau giải phóng, NM nhựa Thiếu Niên Tiền Phong lâm vào cảnh khốn khó chưa từng thấy. Nguyên liệu chỉ được cấp chừng 50%, điện năng bị cắt giảm tới 70%. Nhà nước không còn giao kế hoạch, những mặt hàng truyền thống Êke, bóng bàn, tăng nhựa, khuy áo quốc phòng... “coi như chết hết”. Ngay cả đôi dép nhựa trắng - thời đó hay gọi là đôi gò - cũng chỉ làm cầm chừng. Một nửa nhà máy đói việc. Giám đốc hồi đó là ông Phạm Đức Chất như ngồi trên đống lửa. Ông hỏi phòng kế hoạch “Kế hoạch thế nào?”. Rồi mắng ngay: “Kế hoạch phải trên bánh xe chứ cứ ngồi đó mà ra kế hoạch được à”.
Nó đơn giản đến không ngờ: Sau khi nhựa hóa trên vít xoắn kết hợp với ép piston, nhựa từ bình tích được phun vào một khuôn được gông chặt bên dưới. Đôi dép được “làm nguội tự nhiên bằng không khí”, tỉa qua chút ba-via và thật kỳ lạ, có thể xỏ ngay vào chân.
Kỹ sư Nguyễn Quang Dũng hồi đó là người test công thức và tới giờ ông vẫn nhớ: 6 phần hóa dẻo; 2% hóa chất tạo xốp; 3% chất ổn định, carbonat canxi để tạo cứng... Đó là một công thức tạo ra đôi dép xốp, êm, có “mũi thở” trong phần nhựa đế tưởng như “một cục”.
Thị trường đón nhận ngay lập tức. Nó có thể đi trong nhà hoặc ngoài đường. Nó trung tính, dép nam hay nữ chỉ phân biệt bởi size. Nó rất nhẹ và quan trọng nhất là nó không sợ nước. Nó nổi trên nước.
Chỉ có điều là cũng chỉ ngay sau đó, thị trường xuất hiện hàng nhái, thứ hàng từ các lò thủ công mà họa sĩ Đan gọi là “dép nướng chả”.
Sau ngót 40 năm, những cha đẻ của đôi dép tổ ong năm ấy vẫn tiếc hùi hụi. Thuộc về phân khúc bình dân, không ai nghĩ tới việc đóng logo cho đôi dép ấy cả. Một chữ tiền phong như đôi gò cũng không. Huống chi đăng ký bản quyền, xác nhận thương hiệu là việc của những năm 2000 mãi sau này.
Trở lại với đôi dép tổ ong của Nguyễn Sơn Tùng. Chúng tôi có một câu hỏi: Nếu phải chọn một cái gì “thật Việt”, “thuần Việt” làm quà tặng hay để mang ra thế giới thì bạn đã nghĩ ra gì chưa?
“Vạn Phúc bây giờ không còn mét vuông nào trống để phơi lụa chứ đừng nói trồng dâu nuôi tằm nữa” - nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm, công dân ưu tú thủ đô, người được mệnh danh là “người giữ hồn lụa Hà Đông” mở đầu câu chuyện.
Ngay đối với thứ hàng truyền thống trăm năm này, những thông tin rầm rập trên báo chí đang cho thấy nó ngập trong hàng ngoại (loại rẻ tiền hơn).
“Có lần, chính chúng tôi cũng đấu tranh với nhau. Nhà nào bán lụa ngoại cứ bán- có ai cấm được đâu- nhưng phải ghi rõ”- lời bà Tâm.
Giờ đây ngay cả người Vạn Phúc cũng không biết bao nhiêu trong số hàng bày bán ở làng là hàng ngoại nhập, bao nhiêu là hàng Vạn Phúc.
Giá tơ nguyên liệu từ 900 ngàn/m2 năm ngoái giờ đã đội lên 1,5 triệu. Rồi 15 ngàn đồng công dệt. Rồi mười mấy công đoạn. Thế thì làm gì có chuyện 1 triệu 3 cái áo.
Thào mang xuống chợ Cán Cấu 4 chiếc chổi đót. Đó là kết quả của cả tuần đi rừng và ngồi bện (có lẽ là đến “thối móng tay”). Giá mỗi chiếc, tùy loại to nhỏ, từ 25 đến 40 ngàn đồng. Chổi đót từ vài tháng nay bỗng dễ bán hơn. Nhiều khách hàng sau khi chụp ảnh selfie đã mua hàng cho Thào như một cách trả ơn.
Cách Thào 150m, phía bên này chợ, bên một lối đi sũng bùn và ngập phân gia súc sau cơn mưa đêm, Sùng bày bán những chiếc thớt gỗ nghiến có đường kính khoảng 30cm. Tiếng Việt của anh tốt hơn Thào. Sùng dùng một con dao dài quãng nửa mét chém chém vào mặt gỗ miệng không ngớt lời rao như những lái buôn thực thụ, rằng đó là loại thớt “chỉ có dao mẻ chứ thớt không mẻ”. Thớt này lấy ở đâu? Thào nghe rõ câu hỏi, hoàn toàn hiểu, và anh đáp trả bằng một cái nhìn lạnh như lưỡi dao.
Chổi đót hay thớt nghiến là những mặt hàng made in Việt Nam tương đối điển hình trong những chợ phiên miền núi. Nếu cần có thêm một ví dụ về sự thông dụng nữa thì hẳn nhiên đó chỉ có thể là đôi dép tổ ong huyền thoại.
Trong khi đó, hầu hết các mặt hàng còn lại tại chợ đều không khó để xác định nguồn gốc với những chữ tượng hình đặc trưng.
Thào ở đâu đó tít trên núi. Hôm nay bán được chổi, bà mua một loại thuốc chữa bệnh cho gà có hình con rắn xuất xứ... chữ tượng hình; và một lưỡi cuốc. Bà dừng lại rất lâu trước một hàng quần áo cho trẻ em. 20 ngàn một cái áo “công an trẻ con”, và cuối cùng bà lắc lắc cái đầu. Phiên chợ kết thúc trong một quán thắng cố truyền thống. 2 mẹ con, 1 bát tô thắng cố và chai rượu ngô được nấu bằng men lá.
Đi chợ phiên là một nhu cầu của đồng bào. Họ bán những gì mình có. Chiếc chổi, con mèo, mớ cải, nải chuối. Mua những vật dụng thiết yếu. Không hề có sự phân biệt, và cũng chẳng cần phải phân biệt hàng nội, hàng ngoại.
H là một tiểu thương ở chợ Đồng Xuân chuyên doanh hàng may mặc. Buổi sáng ấy, H cho là xúi quẩy. “Hai con đàn bà” sờ soạng chán chê, nói ỏng nói eo, mặc cả lên mặc cả xuống rồi hỏi... nguồn gốc. Bình thường, H sẽ rất cảnh giác với những “loại khách” kiểu này. Rất có thể là quản lý thị trường! Nhưng hôm nay chị nổi máu điên. Quần chíp không ai đi mua 1-2 cái cả. Mới cả nguồn gốc xuất xứ gì! Xuất xứ hàng nhập lậu. Nguồn gốc là không có nguồn gốc. Thế cho nhanh.
H nói giờ kinh doanh “nhục lắm rồi”. Phải ngày xưa, khách mua lẻ vào Đồng Xuân bị chửi cho khỏi cần ăn sáng. Nhưng giờ phải bòn từng xu một. “Đấy, người ta gọi thì lại gửi xe vài lố”.
Còn hàng nhập ư, chẳng có gì phải phủ nhận cả. Trong mấy chục loại hàng hóa may mặc ở chợ. Loại ít, như sơmi, hàng nhập từ 10-20%. Loại nhiều, như quần áo lót, tất vớ thì “thẳng toẹt” là không có hàng Việt Nam.
Đồng Xuân vẫn là chợ đầu mối lớn nhất phía Bắc đưa hàng đi khắp các tỉnh với tổng lượng hàng hóa theo doanh thu tính thuế ước 5.000 tỷ mỗi năm.
Đây cũng là một địa chỉ, cùng với Ninh Hiệp, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã khảo sát và công bố kết quả năm ngoái. Trong khảo sát này có những con số kỳ cục: Có những loại vải không phải rẻ mà là cực rẻ, chỉ 10 ngàn/mét. Có những chiếc áo trẻ em chỉ “vài ngàn đồng”. Trong khi đó, hầu hết các thương hiệu đều bị nhái, từ Adidas, Nike, Chanel, Dior, Burberry…
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam khi ấy trên một tờ báo đã nói về một “sự nỗ lực lớn hơn của các lực lượng chức năng trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu vào thị trường nội địa”. Dẫu có tới 60.000 mặt hàng và doanh thu nội địa gần 26.000 tỷ đồng năm 2016, nhưng Tập đoàn đang bị đe dọa dữ dội khi mất gần hết các trận địa nông thôn.
“Tiểu thương có làm ra quần áo được đâu - Ông Đỗ Xuân Thủy - TGĐ Công ty CP Đồng Xuân bắt đầu câu chuyện.
Rất thẳng, ông Thủy nói DN Việt không quan tâm tới phân khúc cấp thấp này “Đấy, tiểu thương có lần hỏi thẳng. Nhu cầu khách hàng rất lớn đối với những đôi giày giá 50-60 ngàn. Các ông có làm được không? Và họ “chạy hết”.
Ban Quản lý chợ đã hai lần tổ chức các cuộc đối thoại giữa Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và bà con tiểu thương chợ Đồng Xuân.
“Doanh nghiệp Việt bắt chúng tôi phải mua vài trăm đôi giày dép. Quầy hàng lại chỉ có 2m2, chúng tôi không biết để vào đâu?” – một tiểu thương là bà Nguyễn Thị Dung nói.
Có những cái tưởng như rất nhỏ, nhưng lại là vấn đề to không thể vượt qua được. Bởi thế, sau bao nhiêu là đối thoại, sau rất nhiều nỗ lực, những cái tỷ lệ khó coi ấy hầu như ít suy chuyển.
Đôi giày, cái quần chíp, gói bông ngoái tay hay cái nơ buộc tóc nói nhỏ thì chỉ là chuyện “vài ngàn bạc” cho một phân khúc thấp dưới đáy xã hội. Nhưng bảo lớn thì cũng lớn. Lớn ở chỗ chúng ta mất gần hết thị trường. Doanh nghiệp Việt có quan tâm, có làm đâu mà bảo giữ được. Nói chính xác, không thể làm với giá có thể cạnh tranh với hàng nhập. Nó giống như những người lính bỏ trận địa vậy. Mà trong khi cả nước có mấy ngàn cái chợ truyền thống chứ đâu ít.
18.10 là ngày mà Trần Hùng, Phó Văn phòng Ban chỉ đạo 389, một quan chức nổi tiếng chống buôn lậu rời 389 để về Bộ Công thương “nhận nhiệm vụ mới”.
Từng xông vào tận sào huyệt buôn lậu khét tiếng ở Lạng Sơn. Từng đi đến tận cùng vụ phân bón giả Thuận Phong. Từng công khai quan điểm H-Capita là thuốc ung thư giả... Nhưng giờ đây Trần Hùng có vẻ ngậm ngùi.
Có thể họ đã nghĩ khác - ông nói vắn tắt.
Câu chuyện hàng lậu, hàng nhập tràn lan khắp hang cùng ngõ hẻm được Trần Hùng nhìn dưới hai khía cạnh: Sự phá hoại khủng khiếp đối với nền kinh tế khi giờ đây hàng lậu, hàng giả, hàng nhái công khai ngoài thị trường đang giết chết những doanh nghiệp tử tế còn sót lại. Và sự “khó khăn, thiếu đồng bộ” của lực lượng chống buôn lậu.
Không! Hàng giả hàng lậu giờ đây không còn lén lút, ẩn núp nữa.
Vậy thì phải chống bằng cách nào đây?
Và Trần Hùng đáp lời bằng một câu hỏi ngược: “Có người hỏi tôi, anh ơi, người giả thì có chống được buôn lậu không?”.
Câu chuyện của Khaisilk có lẽ sẽ rất nhanh chóng đi vào quên lãng, có lẽ bởi đã từ lâu chúng ta đã gần như tung cờ trắng, đã quen rồi với một thị trường bị thao túng, bị thôn tính.
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã để lại Trí Khôn nơi tăm tối này! Chúc một ngày với tốt lành đến với bạn và người thân!